Có lẽ thác Bảo Đại là một trong những ngọn thác hiếm hoi ở Lâm Đồng còn giữ được nét tự nhiên, khơi gợi sự khám phá của những ai đã từng một lần đặt chân đến.

Từ Đà Lạt xuôi theo hướng Nam khoảng 60 km, đến ngã ba Đại Ninh (QL 20) rẽ trái 9 km, ngay từ khi mới tới trạm công an xã Tà Hine (huyện Đức Trọng) cách Thác Bảo Đại 3 km đã nghe tiếng ầm ầm vang dội của dòng thác mang tên vị vua cuối cùng của Việt Nam. Đi giữa rừng thông với muôn vàn tiếng chim rừng lảnh lót, hơi nước mát lạnh tỏa lên từ thác Bảo Đại vương vất trên những khuôn mặt háo hức của du khách khi đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của ngọn thác này. Con đường dẫn vào thác 3 km men theo bản làng của đồng bào DTTS bản địa được trải nhựa phẳng lì bằng nguồn đầu tư một phần của Công ty TNHH Phương Vinh – chủ nhân Khu du lịch sinh thái thác Bảo Đại.

Ngay từ ngoài cổng, vẻ đẹp mộc mạc của làng quê Việt dẫn đường du khách vào thác bằng những hàng tre, trúc nối dài. Những túp lều dừng chân nghỉ ngơi được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc bản địa, khiến du khách vừa lạ lẫm, vừa thích thú. Dù khá mệt sau một chặng đường dài, nhưng không ai ngồi nghỉ chân được lâu vì tiếng thác nước vừa âm vang, vừa réo rắt như tiếng đàn thôi thúc những bước chân xuống thác. Con đường dẫn xuống thác Bảo Đại bắt đầu bằng một cây si già vươn mình như một cánh cổng chào đón du khách. Những bậc đá gồ ghề còn nguyên vẹn vẻ tự nhiên từ thời vua Bảo Đại vẫn thường chọn ngọn thác này làm nơi nghỉ ngơi sau những cuộc săn b.ắn. Tiếng thác nước như càng thôi thúc bước chân nhanh hơn dù đường xuống thác phải đi “rón rén” để khỏi ngã nhào xuống vực. Nhưng con đường độc đáo nhất để đứng trước ngọn thác lại là đường luồn qua những vách đá dựng đứng, vừa ẩm ướt vừa hoang dã khiến du khách càng muốn khám phá. Đây đó những chùm phong lan vắt trên vách đá, những ngọn dây leo chùng xuống tạo nên một vẻ đẹp nên thơ. Bước chân du khách dường như không biết mỏi, bỗng ngọn thác sừng sững hiện ra ngay trước mặt mới biết mình đã đi hết đường luồn. Một dòng thác tuôn trào chia làm ba nhánh tung bọt trắng xóa khuấy động mặt nước phía dưới. Từng tia nước đuổi nhau tạo thành cầu vồng dưới ánh nắng mặt trời khiến du khách mê mẩn không chớp mắt. Người dân bản địa gọi đây là thác đá cao, tương truyền về một câu chuyện tiếng nước chảy qua lưỡi của con cá sấu tạo thành tiếng đàn, khiến dân làng bỏ việc đến để nghe cho đến khi c.hết đói hóa thành những tảng đá to dưới chân thác.

Thác Bảo Đại được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 2000. Đến năm 2003, Công ty TNHH Phương Vinh đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng để khai thác thành khu du lịch sinh thái. Tuy chưa đi vào hoạt động chính thức, nhưng thác Bảo Đại vẫn đón khách vào tham quan miễn phí với nhiều loại hình dịch vụ như đi ca nô vào các đảo xung quanh hồ nước rộng trên 3.000 ha. Nhà hàng được thiết kế theo kiểu nhà sàn để phục vụ du khách các món đặc sản địa phương như gà thả đồi, heo tộc, rau rừng và đặc biệt là cá hồ dưới chân thác. Ông Nguyễn Xuân Vinh – Giám đốc Khu du lịch sinh thái thác Bảo Đại cho biết: “Dự định đến cuối năm nay, thác Bảo Đại sẽ chính thức mở cửa đón khách. Khu du lịch sẽ đúng nghĩa là du lịch sinh thái, chúng tôi để vẻ đẹp tự nhiên của thác Bảo Đại chinh phục du khách chứ không can thiệp quá nhiều vào những gì thiên nhiên đã ban tặng cho thác nước này”. Hy vọng, thác Bảo Đại sẽ góp tên cho sự phong phú của những điểm du lịch ở Đà Lạt nói riêng và Lâm Đồng nói chung. Đồng thời, khi đi vào hoạt động đón khách, thác Bảo Đại sẽ góp phần làm cho đời sống của đồng bào DTTS xã nghèo Tà Hine được cải thiện, thông qua những mặt hàng truyền thống của bà con nơi đây khi được giới thiệu đến du khách gần xa